Price Tower là công trình cao tầng duy nhất của kiến trúc sư nổi tiếng Frank Lloyd Wright, một trong những tên tuổi nổi bật và có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Với biệt danh “Cây cao bóng cả”, tòa tháp này tồn tại nhiều giá trị vượt thời đại và là hình mẫu học hỏi cho các KTS ngày nay.Tòa tháp Price Tower của KTS nổi tiếng người Mỹ Frank Lloyd Wright là công trình cao tầng duy nhất được biết đến và là một trong số những thiết kế cao tầng còn tồn tại của ông. Công trình này tọa lạc ở vùng đồng bằng Bartlesville, Oklahoma và được thiết kế theo yêu cầu của một công ty hóa dầu địa phương – công ty H. C. Price. Tòa tháp đa năng này không chỉ là tác phẩm độc đáo nhất trong số các thiết kế của Wright mà còn là thiết kế có một không hai về vật liệu và kết cấu. Một vài cải tiến của ông là bước tiên phong ở thời điểm giữa thế kỷ 20 và vẫn còn hữu ích cho đến ngày nay.Wright đặt biệt danh cho tòa tháp này là “The Tree that Escaped the Crowded Forest” (tạm dịch: “Cây cao bóng cả”). Cụm từ ngắn gọn nhưng súc tích này đã nói lên những giá trị của tòa tháp Price Tower cho đến ngày nay.Tòa nhà cao tầng được thiết kế quanh một lõi (thân cây) gồm 4 trục thang máy, đóng vai trò đỡ kết cấu trung tâm và là yếu tố kết nối những phần còn lại của thiết kế. Mỗi tấm sàn được liên kết với phần thân trung tâm, trông như những nhánh cây. Phần tường bên ngoài tòa tháp là những thanh đồng lá, lớp gỉ màu xanh lá gợi ra hình ảnh những chiếc lá. Thiết kế bất đối xứng khiến cho mỗi góc của công trình đều có vẻ ngoài khác nhau, để nó trông như khuyết điểm tự nhiên của một cái cây thật.Tòa tháp này được kết hợp tinh tế giữa lý thuyết và thực hành thông qua sự tính toán cẩn thận về vật liệu và thiết kế kết cấu, mà ở đó vai trò thiết kế kết cấu cũng có vai trò thiết kế trừu tượng. Bất chấp vẻ kỳ quặc trong thiết kế của mình, Wright đã thực hiện được ý đồ đưa thiên nhiên vào một công trình kiến trúc cao tầng – đây được xem là hình mẫu của nhân tạo và đô thị. Ngày nay, các KTS đã mang cảm hứng thiên nhiên vào hầu hết các thiết kế đương đại. Kể cả những tòa nhà chọc trời nhất cũng buộc phải đáp ứng các nguyên tắc bền vững nghiêm ngặt nhất thì việc áp dụng tự nhiên vào công trình cao tầng từ những năm 1950 dường như càng phù hợp hơn, hay nói đúng hơn là sự tiên tri của thời đại.Mô-típ concept còn hòa hợp với mặt bằng kết cấu theo nhiều cách quan trọng khác như: mặt bằng dựa trên logo công ty Price, logo được dựng lại trên một bản đồng nằm ngay trung tâm tầng trệt. Thiết kế hình bình hành độc đáo được chia thành bốn khu vực chức năng: một khu nhà ở và ba khu văn phòng. Bằng cách này, Wright đã khéo léo đặt khách hàng vào trong những nền tảng thiết kế của chính ông, đổi mới về kết cấu theo một cách khác. Hơn nữa, đôi mắt tinh tường về hình học của ông đã tái tạo những tấm họa tiết đồng ở mặt đứng, hướng đến sự tương đồng với mặt bằng của tòa tháp.Nói về vật liệu, tòa tháp này là một đột phá tại thời điểm đó – KTS đã sử dụng các bức tường bê tông đúc, sàn bê tông, cửa sổ và cửa đi bằng nhôm, các tấm đồng gỉ. Ngày nay, những vật liệu trên, đặc biệt là bê tông có lẽ bị xem là vật liệu không bền vững, nhưng chúng ta có thể lĩnh hội được những bài học kinh nghiệm từ các vật liệu này theo những cách khác. Wright đã miệt mài tái tạo và chiêm nghiệm những giá trị tự nhiên trong thiết kế của mình. Ông sử dụng vật liệu đồng nhất cho nội thất và ngoại thất, làm nhòa đi ranh giới giữa bên trong và bên ngoài. Những khung cửa sổ to có chủ ý mở rộng tầm nhìn cho cư dân về vùng đồng cỏ Oklahoma bên ngoài, làm dịu tòa nhà bằng những “chiếc lá” màu xanh đồng ở ngoài mặt đứng. Frank Lloyd Wright, cũng như những KTS khác, thường cực kỳ cẩn trọng về không gian xung quanh tòa nhà, từ đó cẩn trọng về lựa chọn và sử dụng vật liệu. Tòa tháp Price được đặt ở một vùng thiên nhiên tươi đẹp – vùng đồng bằng Oklahoma, do đó tòa nhà phải phản chiếu vẻ đẹp này.Mối quan tâm về khu đất đưa đến một góc nhìn khác về câu nói nổi tiếng “Cây cao bóng cả” của Wright. Thoát ly khỏi những tòa nhà cao tầng đông nghẹt của thành phố, tòa tháp Price mang đến nhiều đổi mới đột phá: mặt đứng bằng đồng, sàn đúc hẫng, thiết kế bất đối xứng, cấu hình không gian linh hoạt và cửa sổ lớn. Tòa tháp vẫn còn đó, giờ đây nó là một tượng đài cần được bảo vệ nhờ vào danh tiếng của người KTS đã thiết kế nó. Tòa tháp không chỉ là một di tích được công nhận ở National Historic Landmark (Di tích lịch sử quốc gia của Chính phủ Mỹ), những đổi mới về cấu trúc và vật liệu vẫn còn mang lại nhiều bài học quan trọng cho đến ngày nay. 70 năm sau, chính sự chu đáo về cảnh quan môi trường, sự khéo léo tính toán giữa lý thuyết và thực tế, sự tài tình về sử dụng vật liệu khiến công trình trở thành hình mẫu hữu ích cho các KTS hôm nay.Biên dịch | Anh Tuấn (Nguồn: Archdaily)XEM THÊM:
{{item.text_origin}}